KÌ TÍCH SÔNG HÁN VÀ CÔNG CUỘC ĐỔI MỆNH CỦA ĐẠI HÀN DÂN QUỐC

“Kỳ tích sông Hán” (한강의 기적) là một thuật ngữ chỉ sự phát triển thần kì của kinh tế Hàn Quốc những năm 1960 – 1970. Một số tài liệu cho rằng “Kỳ tích sông Hán” xảy ra từ sau Chiến tranh Triều Tiên đầu những năm 1950 đến trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998.

“Kỳ tích sông Hán” bắt nguồn từ cụm từ “Kỳ tích của sông Rhine”. “Kỳ tích của sông Rhine” chỉ việc Tây Đức phục hồi nhanh chóng sau Thế chiến II. Nội các Hàn Quốc lúc bấy giờ sử dụng cụm từ “Kỳ tích sông Hán” để nhấn mạnh sự phục hồi thần kỳ của đất nước sau chiến tranh. Và Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế, một trong bốn “con rồng” kinh tế châu Á đầu thập niên 1990.

한강의 기적” 빼고 “촛불” 넣은 초등 교과서 [블루투데이]

1. Bối cảnh ra đời của “Kỳ tích sông Hán”

Thập niên 1940

Trong thời gian bị Đế quốc Nhật chiếm đóng (1930-1940), kinh tế Hàn Quốc sa sút nhanh chóng. Năm 1945, quân Nhật đầu hàng đồng minh, bán đảo Hàn Quốc được giải phóng và bị tách thành hai miền Bắc – Nam. Miền Bắc chịu sự quản lý của Liên Xô. Trong khi đó, miền Nam thì bị Mỹ kiểm soát.

Vào thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng, quy mô thương mại lớn nhất hàng năm của Hàn Quốc vượt quá 550 tỷ won. Năm 1946, thương mại hàng năm của Hàn Quốc đã giảm mạnh xuống dưới 400 triệu won. Theo báo cáo của Ngân hàng Joseon, tổng thu nhập quốc dân năm 1948 là 200 tỷ won. Và thu nhập bình quân đầu người ước tính không quá 23$.

Thập niên 1950

Chiến tranh Nam – Bắc (1950-1953) một lần nữa phá hủy nền kinh tế Hàn Quốc. Hàn Quốc mất một phần tư tài sản quốc gia. Sản xuất công nghiệp đã giảm xuống dưới một nửa. Tỷ lệ thiệt hại của các tòa nhà và cơ sở công nghiệp của Hàn Quốc là 64%. Thành phố Seoul bị phá hủy nghiêm trọng với khoảng 30% ngôi nhà, 70% nhà máy và các tòa nhà thương mại, công trình công cộng. Theo Cục Thống kê Bộ Nội vụ thời điểm đó, thiệt hại do chiến tranh gây ra là 410 tỷ đô la. Tất cả những người giàu thời điểm đó đều bị phá sản. Hàn Quốc giai đoạn những năm 1950-1960 được xem là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Thập niên 1960

Số người thất nghiệp chiếm 25% số lao động. GNP (Tổng Sản lượng Quốc dân) giai đoạn này dưới 100$. Hàn Quốc hoàn toàn không có triển vọng phục hồi kinh tế. Cục diện thất vọng nhất từ gói viện trợ Mỹ cung cấp cho Hàn Quốc là không thể mang lại sự tăng trưởng đáng kể để tiếp tục cải thiện mức sống. Điều kiện tăng trưởng kinh tế của Triều Tiên thời điểm này thuận lợi hơn so với Hàn Quốc.

Năm 1961, tướng Park Chung-hee trở thành Tổng thống Hàn Quốc. Với tư tưởng biến Hàn Quốc thành một quốc gia hùng mạnh, ông bắt tay vào thúc đẩy kinh tế. Hàn Quốc tập trung xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn – chaebol (재벌). Tháng 1 năm 1962, Chính phủ công bố kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế lần đầu giai đoạn 1962-1966. Kế hoạch tham khảo từ chính phủ Rhee Syngman soạn thảo vào năm 1958. Đây được xem là một trong những nền móng cho sự ra đời của “Kỳ tích sông Hán”.

Thập niên 1970

Giai đoạn này ghi nhận khoảng 80% thành công của “Kỳ tích sông Hán”, là thời kỳ đỉnh cao. Có thể nói, những biến động trong giai đoạn này có tác động không hề nhỏ lên lịch sử chính trị của Hàn Quốc.

2. Thành tựu của “Kỳ tích sông Hán”

Kinh tế

Kế hoạch kinh tế hiệu quả xuất phát từ nhu cầu thị trường kinh tế thế giới. Chỉ trong 10 năm, Hàn Quốc đã đạt được lượng xuất khẩu hàng hóa đủ để trả nợ nước ngoài. Những năm 1960, Seoul trở thành trung tâm sản xuất của Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm 7,6%, liên tục trong 40 năm.

Giai đoạn giữa những năm 1980, tổng doanh thu từ 5 tập đoàn kinh tế lớn chiếm gần 66% GNP. Samsung và Huyndai lọt top 50 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. Giai đoạn năm 1973-1996, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt 11,2%. Cuối năm 1995, Hàn Quốc đứng thứ 11 trong nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cuối năm 2011, GDP của một người Hàn cao hơn cả mức trung bình của EU. Hiện nay, Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á và thứ 11 trên thế giới. Và dẫn đầu về các ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất chất bán dẫn.

Nhiều thương hiệu Hàn Quốc như: Samsung, LG, Hyundai, Daewoo,… đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Hàn Quốc và trong ngành công nghiệp thế giới.

Xã hội

Các nhà hoạch định chính sách triển khai cải thiện hình ảnh thành phố. Các khu ổ chuột được quy hoạch, cải tổ lại. Các khu căn hộ đồng loạt mọc lên. Những cây cầu lớn được xây dựng để kết nối khu vực phía nam và phía bắc Seoul.

Sự xuất hiện của hệ thống tàu điện ngầm mới đã góp phần nâng cấp hệ thống giao thông công cộng. Đường tàu điện ngầm số 1, 2, 4 của Seoul được hoàn thiện và lần lượt mở vào năm 1974, 1984 và 1985. Các tuyến số 2, 3 và 4 tạo thành một chữ X đi khắp trung tâm Seoul. Một đường cao tốc xây dọc theo bờ sông để nối sân bay Gimpo với trung tâm thành phố và sân vận động Olympic.

Qua hai kỳ Thế vận hội năm 1986 và 1988, Chính phủ đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm giới thiệu và quảng bá hình ảnh đất nước Hàn Quốc ra thế giới.

Văn hóa

Bên cạnh sự phục hồi và phát triển thần kì của nền kinh tế, Hàn Quốc cũng nhanh chóng quảng bá văn hóa ra thế giới. Biến văn hóa thành thứ “quyền lực mềm” chinh phục thế giới. Qua những bộ phim,show truyền hình và âm nhạc, Hàn Quốc truyền bá về đất nước, con người cho cả châu Á. Hiện nay, Hàn Quốc là một trong top 10 quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu văn hóa. Làn sóng Hallyu đã và đang lan rộng cũng như được đón nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới.

3. Chìa khóa tạo nên sự thành công của “Kỳ tích sông Hán”

Văn hóa Ppalli ppalli (빨리 빨리)

Để tạo nên thành công của “Kỳ tích sông Hán” cần có rất nhiều yếu tố. Trong đó phải nhắc đến “ppalli ppalli” – nét văn hóa của người dân Hàn Quốc, một biểu tượng cho tính cách dân tộc. Giai đoạn Nhật chiếm đóng và chiến tranh Triều Tiên đã kéo lùi sự phát triển kinh tế Hàn Quốc. Chính vì vậy, người Hàn nghĩ rằng họ cần phải nỗ lực để đuổi kịp các nước khác trên thế giới. Bắt nguồn từ suy nghĩ này, văn hóa “ppalli ppalli” ra đời.

Giai đoạn những năm 1960, Tổng thống Park Chung-hee đề ra hàng loạt chính sách cải tổ kinh tế đất nước. Bên cạnh nguồn viện trợ của Mỹ, Tổng thống Park cho thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng hà khắc nhằm huy động toàn bộ sức dân vào công cuộc phát triển đất nước. Sự cam chịu trong thời gian dài của cả một thế hệ đã tạo nên “Kỳ tích sông Hán”. Đồng thời là sự ra đời của hàng loạt tập đoàn đa quốc gia lớn như Samsung, Hyundai hay LG.

Hiện tại, văn hóa “ppalli ppalli” vẫn là một trong những tính cách tiêu biểu của dân tộc Hàn. Không chỉ vậy, nó đã giúp Hàn Quốc duy trì sự phát triển thịnh vượng, giữ vững vị trí top 20 nền kinh hàng đầu thế giới. Với GDP bình quân đầu người năm 2018 đã vượt ngưỡng 30.000 USD/năm.

Nhà nhân chủng học Kim Chung-soon nhận định trong cuốn “Way Back into Korea” như sau: “Ppalli ppalli không chỉ là một phần trong đời sống hàng ngày của người Hàn Quốc. Tính khẩn trương được khắc sâu vào tâm trí của họ như một giá trị cơ bản”.

Sự lãnh đạo độc tài của Tổng thống Park Chung Hee

Có thể nói, ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Park đã chỉ rõ ra sự khác biệt trong xuất phát điểm của Hàn Quốc so với phương Tây. Từ đó, ông đưa ra chủ trương ưu tiên đẩy mạnh công nghiệp hóa. Giúp Hàn Quốc theo kịp trình độ phát triển của thế giới lúc bấy giờ. Bên cạnh đó, bất chấp việc bị chỉ trích là chính phủ độc tài, Tổng thống Park vẫn cương quyết thực hiện đường lối “Trước là công nghiệp hóa. Sau là dân chủ hóa”. Kết quả, sau Thế chiến thứ hai, Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên đồng thời hoàn thành hai mục tiêu công nghiệp hóa và dân chủ hóa.

Dù giai đoạn Park Chung-hee đương nhiệm chức vị Tổng thống vô cùng khắc nghiệt đối với dân tộc Hàn. Song, không vì vậy mà phủ nhận những đóng góp cũng như những nỗ lực của ông trong sự thành công của “Kỳ tích sông Hán” nói riêng và sự phát triển của Hàn Quốc nói chung.

4. Bài học rút ra từ “Kỳ tích sông Hán”

Từ thành công của “Kỳ tích sông Hán”, có thể rút ra được những bài học kinh nghiệm để áp dụng trong mô hình phát triển kinh tế Việt Nam. Mô hình phát triển mà chính phủ Việt Nam đang theo đuổi hiện nay định hướng phát triển các ngành công nghiệp. Đưa Việt Nam từ một nước nông nghiệp thành một nước công nghiệp. Mặc dù vậy, sự khác biệt về nền tảng xã hội, kinh tế, con người cùng nhiều yếu tố khách quan khác sẽ hạn chế phần nào sự phát triển của mô hình này tại Việt Nam. Vì vậy, Chính phủ cần phải điều chỉnh nhằm thích ứng với những điều kiện vốn có của các công ty, tập đoàn tại Việt Nam.

Sự chuyển mình thần kỳ của Hàn Quốc được Ngân hàng Thế giới gọi là “Kỳ tích Đông Á” (The East Asia Miracle). “Kỳ tích Sông Hán” đánh dấu một chặng đường lịch sử quan trọng của Đại Hàn Dân Quốc. Biến Hàn Quốc thành một trong những cường quốc kinh tế trên thế giới. Mặt khác, cũng ghi lại một giai đoạn vô cùng khó khăn trong cuộc sống của người dân với những biến động sâu sắc về chính trị, xã hội. Những thành tựu và hạn chế mà “Kỳ tích Sông Hán” để lại là bài học kinh nghiệm quý báu trong phát triển kinh tế cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

CÔNG TY ĐÀO TẠO – TƯ VẤN DU HỌC MIỀN TRUNG JSC
? TRỤ SỞ CHÍNH: Lô G5, khu đấu giá đất Yên Xá, Xã Tân Triều, Huyện Thanh Trì, TP Hà Nội
?CƠ SỞ 2: Số 40, ngõ 20, đường Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội
?CƠ SỞ 3 : Chi nhánh – VP Đại diện Miền Trung: Số 127, đường An Dương Vương, Phường Tràng Thi, Thành phố Vinh, Nghệ An
☎️Hotline: 0966209636 ( Mr. Thắng: Giám đốc pttt)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *